CÁC BIẾN THỂ CỦA SARS-CoV-2
TS. BS. Trần Trọng Dương
Khoa KSNK, Bệnh viện 19-8
1. Đại cương về virus corona
Virus Corona là chủng virus mới chưa từng xuất hiện ở người, có tên gọi từ nguồn gốc tiếng Latin. Vi rút Corona là chủng virus được bao bọc bằng những chiếc gai bao bọc bên ngoài, tương tác với thụ thể trên tế bào, theo cơ chế tương tự chìa khóa và ổ khóa, từ đó cho phép virus xâm nhập vào bên trong.
Bùng phát vào cuối tháng 12/2019, bắt nguồn từ một chợ hải sản ở Hồ Nam, Vũ Hán, miền Trung Trung Quốc.Tên gọi vi rút Corona có nguồn gốc từ tiếng Latin, trong đó “corona” có nghĩa là “vương miện” hoặc “hào quang”. Virus này có những chiếc gai bao bọc bên ngoài, chúng tương tác với thụ thể trên tế bào, theo cơ chế tương tự chìa khóa và ổ khóa, từ đó cho phép virus xâm nhập vào bên trong.
2. Phân biệt COVID-19 và SARS-CoV-2
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết tên gọi chính thức của bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút corona (nCoV) là Covid 19. Tên gọi mới này gọi tắt của coronavirus disease 2019, theo các từ khóa “corona”, “virus”, “disease” (dịch bệnh) và 2019 là năm mà loại virus gây đại dịch này xuất hiện.
Tháng 2/2020, Ủy ban quốc tế về phân loại Virus – International Committee on Taxonomy of Viruses (ICTV) chính thức đặt tên cho chủng mới của vi-rút corona là SARS-COV-2.
3. Các loại biến thể của SARS-CoV-2
Theo CDC Hoa Kỳ, biến chủng virus Corona là “thuật ngữ” để mô tả biến thể của virus corona khác biệt với các virus đồng loại của nó một cách đáng kể. Sự khác biệt này được thể hiện ở các khía cạnh: tính dễ lây (khả năng truyền bệnh), độc lực (khả năng gây bệnh), sự nhạy cảm với thuốc điều trị/vắc xin phòng ngừa (khả năng chịu đựng) của virus SARS-CoV-2.
Do vậy có thể hiểu rằng, những thay đổi về bản chất trên bộ gen được gọi là “biến thể” (variant). Sau khi biến đổi chúng sẽ có những biểu hiện rõ ràng, cụ thể được gọi là “biến chủng” (mutant). Tức là, khi virus có những thay đổi trên bộ gen và đã thành một chủng mới khác với chủng ban đầu, được gọi là biến chủng.
3.1. Biến thể của Anh: Biến chủng Alpha
- Được phát hiện lần đầu tiên tại Vương quốc Anh, trở thành chủng virus rất phổ biến ở thành phố Luân Đôn và vùng đông nam nước Anh. Đây cũng là biến chủng đánh dấu cho đợt bùng phát COVID-19 mới của toàn cầu vào tháng 9/2020.
- Đã có hơn 100 quốc gia trên thế giới nhiễm chủng này trong đó có Việt Nam.
- Tháng 7/2020, qua giải trình tự gen đã phát hiện nhiều ca bệnh nhiễm chủng này tại Hải Dương
- Tháng 4/2021, Viện Pasteur TP. HCM giải trình tự gen các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam cho thấy 85,7% mẫu nhiễm biến chủng phát hiện ở Anh và 14,3% còn lại mang biến chủng phát hiện ở Nam Phi.
3.2. Biến thể của Nam Phi: Biến chủng Belta
- Phát hiện đầu tiên vào tháng 12/2020 ở Nam Phi.
- Biến thể Nam Phi có khả năng lây nhiễm gấp 1,5 lần gây tổn thương mạnh hơn, có thể tiến hóa và thích nghi cao hơn…so với biến thể Anh.
- Có khả năng làm giảm độ nhận biết của kháng thể với virus.
3.3. Biến thể của Brazil: Biến chủng Gamma.
- Phát hiện đầu tiên tháng 11/2020 tại Brazil.
- Khả năng lây nhiễm cao hơn gấp 2,5 lần so với chủng SARS-CoV-2 ban đầu và khả năng kháng lại các kháng thể cũng cao hơn, gây tái nhiễm cho những người đã khỏi bệnh.
- Có khả năng thay đổi hình dáng, tránh bị phát hiện bởi kháng thể sản sinh sau khi tiêm vaccine COVID-19 hoặc sau lần đầu người mắc COVID-19 do các chủng virus khác.
3.4. Biến thể kép của Ấn Độ: Biến chủng Delta
- Được phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ vào tháng 12/2020.
- Dễ lây lan, khó truy vết đã lây lan ra 124 quốc gia và vùng lãnh thổ.
- Đây là chủng có mức độ lây lan cao chủ yếu là vì người nhiễm biến thể này mang tải lượng virus ở khoang mũi lớn gấp 1.000 lần so với người nhiễm các chủng virus SARS-CoV-2 trước đó.
- Tỷ lệ nhập viện với bệnh nhân nhiễm biến thể Delta cũng cao hơn 85% so với biến thể Alpha.
- Tại Việt Nam, biến thể Delta được phát hiện trong các ca dương tính ở TP.HCM vào ngày 18/05/2021 trong đợt dịch bùng phát lần thứ 4. Tỷ lệ lây nhiễm thứ phát (F1 dương tính) của các trường hợp nhiễm biến thể Delta cao hơn so với biến thể Alpha. Tại các chuỗi lây nhiễm ở các tỉnh phía Nam đã ghi nhận 1 số trường hợp có dấu hiệu hoặc dương tính chỉ sau hơn 1 ngày tiếp xúc phơi nhiễm với người mắc COVID-19. Đáng lo ngại, biển thể Delta lây lan rất nhanh trong môi trường kín, không khí lưu thông kém như: nhà máy, khu công nghiệp, quán bar, nhà thờ…
4. Các báo cáo khoa học về vaccine (vắc-xin) với biến chủng Delta
- Một số dữ liệu cho thấy biến chủng Delta có thể gây bệnh nghiêm trọng hơn là các chủng trước đây ở những người chưa được tiêm chủng. Trong hai nghiên cứu khác nhau của Canada và Scotland, bệnh nhân bị nhiễm biến thể Delta có khả năng nhập viện cao hơn là bệnh nhân nhiễm biến thể Alpha hay chủng vi-rút ban đầu 2 lần.
- Người chưa được tiêm chủng vẫn là mối lo ngại lớn nhất: Tình trạng lây nhiễm xảy ra hơn rất nhiều so với lây nhiễm ở người đã được tiêm chủng, những người bị nhiễm biến thể Delta, bao gồm người đã tiêm chủng đầy đủ và bị lây nhiễm có triệu chứng, vẫn có thể truyền bệnh sang cho người khác. CDC vẫn đang tiếp tục đánh giá dữ liệu xem người đã được tiêm chủng đầy đủ và bị lây nhiễm, không có triệu chứng, có thể truyền bệnh hay không. Tuy nhiên, nguy cơ lây truyền cao nhất thuộc về nhóm người chưa được tiêm chủng, những người dễ bị nhiễm bệnh hơn nhiều.
- Người đã được tiêm chủng đầy đủ khi lây nhiễm với biến thể Delta vẫn có thể làm lây vi-rút sang người khác. Tuy nhiên, những người đã được tiêm chủng có vẻ có khả năng truyền nhiễm trong khoảng thời gian ngắn hơn: Với các biến thể trước, lượng virus sản sinh trong cơ thể người nhiễm bệnh nhưng đã được tiêm chủng đầy đủ thường ít hơn ở người chưa được tiêm chủng. Ngược lại, biến thể Delta dường như sản sinh ra lượng virus như nhau ở người chưa được tiêm chủng và người đã được tiêm chủng đầy đủ
- Các loại vắc-xin tại Hoa Kỳ (Pfizer, Moderna) có hiệu quả cao, trong đó có tác dụng đối với biến thể Delta: Vắc-xin vẫn tiếp tục làm giảm nguy cơ nhiễm chủng virus gây bệnh COVID-19 ở người, bao gồm cả biến thể này. Các loại vắc-xin ngừa COVID-19 được phê chuẩn tại Hoa Kỳ có hiệu quả phòng ngừa cao đối với nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng và tử vong, kể cả đối với biến thể Delta. Nhưng những vắc-xin này không có hiệu quả 100% và một số người đã được tiêm chủng đầy đủ sẽ bị lây nhiễm và phát bệnh. Với những người đó, vắc-xin vẫn cho họ khả năng phòng ngừa mạnh mẽ chống lại bệnh nghiêm trọng và tử vong.