Ngày 25 tháng 11 năm 2021, khoa ngoại tổng hợp (B3) bệnh viện 19-8 Bộ Công an tiến hành phẫu thuật thành công cho bệnh nhân Shock mất máu do vỡ phình động mạch mạc treo đại tràng ngang, đây là ca bệnh có tiến triển cấp tính, mất máu nhiều đe dọa đến tính mạng.
Bệnh nhân Bùi Thị H, nữ, sinh năm 1972 (49 tuổi), địa chỉ Duyên Hải, Hưng Hà, Thái Bình; mã hồ sơ 2111250014. Tiền sử mổ đẻ 02 lần, mổ mở cắt U nang buồng trứng 01 lần. Vào viện vì đau bụng. Bệnh biểu hiện 01 ngày trước vào viện, đau bụng quanh rốn âm ỉ, tăng dần, kèm theo mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, không nôn, không rối loạn đại – tiểu tiện; cách vào viện 01h, đau bụng đột ngột, dữ dội, người mệt lả. Chưa điều trị gì, vào viện 19-8 lúc 04h30 ngày 25 tháng 11 năm 2021. Khám lúc vào: Bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt. Đau bụng dữ dội. Da – niêm mạc bình thường. Mạch 90 lần/phút, huyết áp 120/70 mmHg. Bụng trướng nhẹ, không có phản ứng thành bụng. Các cơ quan khác sơ bộ khám không thấy bất thường. Xét nghiệm máu: Tổng phân tích máu bình thường: Hồng cầu 4.18 T/l, huyết sắc tố 12.4 g/dl, hematocrit 37.8%, Bạch cầu 11.7 G/l, Tiểu cầu 310 G/l. Sinh hóa máu trong giới hạn bình thường. Siêu âm ổ bụng có hình ảnh dịch tự do ổ bụng, dịch khoang gan – thận 13 mm, dịch khoang lách – thận 15 mm, Douglas 20 mm. Hội chẩn khoa, chỉ định chụp cắt lớp vi tính ổ bụng, kết quả chụp: Hình ảnh khối tỷ trọng tổ chức vùng thượng vị, kích thước 67 x 96 mm, thâm nhiễm xung quanh. Dịch quanh gan 22 mm, dịch Douglas 12mm, không có khí tự do ổ bụng. Bệnh nhân được theo dõi đến 16h cùng ngày, đột ngột đau bụng dữ dội, da xanh, niêm mạc nhợt, hoa mắt, chóng mặt nhiều, đầu chi lạnh, vã mồ hôi, mạch nhanh nhỏ - huyết áp 100/60 mmHg, SpO2 95%. Bệnh nhân được cấp cứu tại giường, nằm đầu thấp, nghiêng trái, thở oxy kính mũi, truyền dịch đẳng trương. Xét nghiệm máu cấp: Hồng cầu 2.49 T/l, huyết sắc tố 7.5 g/dl, hematocrit 21.4%. Kip trực nhận định với số lượng máu mất khá nhiều, biểu hiện qua lâm sàng và công thức máu, đây là trường hợp Shock do chảy máu cấp trong ổ bụng, có chỉ định mổ cấp cứu giải quyết nguyên nhân.
Hình ảnh phình mạch vỡ trong mổ
Bệnh nhân được phẫu thuật cấp cứu lúc 17h ngày 25/11/2021, vào bụng thấy nhiều máu tươi và máu cục (khoảng 1.5 lít), tụ máu rộng vùng mạc treo đại tràng ngang, động mạch đại tràng ngang có khối phình kt 2x3 cm đã vỡ, máu chảy thành tia. Gan hồng nhạt, vòm hoành và phúc mạc nhẵn. Các cơ quan khác không thấy tổn thương. Chẩn đoán trong mổ: Vỡ phình động mạch mạc treo đại tràng ngang. Tiến hành kiểm soát động mạch đại tràng ngang cắt bỏ đoạn phình mạch vỡ gửi giải phẫu bệnh lý. Kiểm tra kỹ thấy không còn chảy máu.
Theo dõi bệnh nhân tại phòng hồi sức sau mổ trong 05 ngày, không sốt, không nôn, chỉ đau ít tại vết mổ, bụng mềm, dẫn lưu ngày đầu ra 100 ml dịch hồng, những ngày sau ít dần. Xét nghiệm máu có xu hướng tốt lên.
Hiện tại sức khỏe bệnh nhân hoàn toàn ổn định, ra viện và theo dõi sức khỏe theo lời dặn của bác sỹ.
Xuất huyết trong ổ bụng do vỡ phình mạch là bệnh lý hiếm gặp nhưng đầy thách thức, nhất là trong trường hợp bệnh cảnh lâm sàng không liên quan đến yếu tố chấn thương, nhiều yếu tố gây nhiễu cần chẩn đoán phân biệt. Diễn biến nhanh và nếu lượng máu mất lớn gây thiếu máu ruột, shock, thậm chí tử vong từ 25 – 75% các trường hợp nếu cấp cứu không kịp thời và thích hợp.
Các vị trí phổ biến nhất của chứng phình động mạch nội tạng là động mạch lách (60%), động mạch gan (20%), động mạch mạc treo tràng trên (5,5%), động mạch dạ dày (4%) …
Việc chẩn đoán vỡ phình động mạch trong ổ bụng rất khó. Siêu âm Doppler mạch máu có thể phát hiện các trường hợp phình mạch kích thước lớn. Chụp cắt lớp vi tính có giá trị trong các trường hợp phình mạch lớn hơn 7 mm .Chụp mạch đã được đề xuất là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán và xác định vị trí các tổn thương này, cho phép đánh giá lưu lượng máu phụ trong trường hợp tắc nghẽn các động mạch lớn, cung cấp thông tin hữu ích trong quyết định cắt bỏ ruột và tạo điều kiện thuận lợi thăm dò ngoại khoa.
Hình ảnh phình mạch trên CT (tham khảo)
Bệnh viện 19-8 Bộ Công an với hơn 60 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, với đội ngũ bác sỹ được đào tạo bài bản và chuyên sâu, trang bị thiết bị hiện đại sẵn sàng nhận và điều trị các trường hợp bệnh lý ngoại khoa ổ bụng, lồng ngực, mạch máu, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác khám – điều trị!
_BS. Thành – Khoa ngoại tổng hợp_
Tài liệu tham khảo:
- Idiopathic spontaneous haemoperitoneum due to a ruptured middle colic artery aneurysm. Christos Skouras a,∗, Miltiadis A. Lalountas b, Apostolos Triantafyllouc, Stamatia Angelidoud, Konstantinos D. Ballas b
- Middle-Colic Artery Aneurysm Associated with Segmental Arterial Mediolysis, Successfully Managed by Transcatheter Arterial Embolization: Report of a Case .TAKAHISA HIROKAWA1,3, HIROZUMI SAWAI1, KOJI YAMADA1, TAKEHIRO WAKASUGI1, HIROMITSU TAKEYAMA1, HIROYUKI OGINO2, MASAKATSU TSURUSAKI3, and YASUAKI ARAI3
- Spontaneous Rupture of a Middle Colic Artery Aneurysm Arising From Superior Mesenteric Artery Dissection: Diagnosis by Color Doppler Ultrasonography and CT Angiography
- Bo Reum Yoo, MD,1 Hyun Young Han, MD,1 Young Kwon Cho, MD,2 Suk Jin Park, MD1 .1 Department of Radiology, Eulji University Hospital, 1306, Dunsan 2-dong, Seo-gu, Daejeon 302-799, Korea 2 Department of Radiology, Eulji General Hospital, Hagye 1-dong, Nowon-gu, Seoul 139-711, Korea .Received 9 January 2011; accepted 10 February 2012