Chuyện về cái chết của 3 mẹ con và câu nói lạnh gáy của gã tài xế “ma men” ám ảnh Thiếu tá Vũ Đức An.
“Hãy nghiêm khắc với chính bản thân mình hơn, đừng để đến khi xảy ra hậu quả mới hối hận, bởi cuộc đời không có chữ “Nếu”. Việc ngăn chặn tình trạng say rượu bia lái xe là việc của mọi người, mọi nhà” – Thiếu tá Vũ Đức An chia sẻ.
Chúng ta đã và đang phải chứng kiến hàng ngày, hàng giờ, những chiếc xe “điên” do người say xỉn phóng điên cuồng trên đường phố, gây nên những cái chết đau thương, biến bao gia đình đang êm ấm trở thành bất hạnh.
Tai nạn giao thông để lại nỗi đau cho cả bản thân và gia đình
Pháp luật có chế tài xử phạt hành chính và hình sự đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn khi lái xe, nhưng mỗi năm vẫn có hàng trăm ngàn lái xe bị xử phạt. Theo thống kê, mỗi ngày, tai nạn giao thông vẫn cướp đi 21 sinh mạng và làm gần 40 người bị thương tật vĩnh viễn suốt đời, mang đến những nỗi đau không gì bù đắp nổi cho gia đình, người thân và cộng đồng.
Rõ ràng, những gì chúng ta đã biết, đã làm, đang làm là chưa đủ để đẩy lùi một loại “tệ nạn” nghe thì cũ nhưng chưa bao giờ thôi nhức nhối: Sử dụng rượu bia chất kích thích khi lái xe.
Thiếu tá Vũ Đức An, Phó Trưởng Khoa Cấp cứu
Cái chết của 3 mẹ con và câu nói lạnh gáy của gã tài xế “ma men”
Thiếu tá Vũ Đức An Phó Trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện 19-8 Bộ Công an là một “nhân chứng bất đắc dĩ” trong nhiều vụ tai nạn thương tâm do rượu bia gây nên. 5 năm qua, anh bắt buộc phải chứng kiến những cảnh tượng đau thương, những giọt nước mắt muộn màng. Chính anh, cũng từng nhiều lần xuống nhà xác bệnh viện để bàn giao thi thể các nạn nhân xấu số.
Trong suốt cuộc đời làm nghề của mình, có một vụ tai nạn thương tâm mà có lẽ khiến anh vẫn chưa thôi nguôi ngoai. Đó là một ngày cuối năm 2016, tại đường Phạm Hùng hướng từ Nguyễn Trãi về Mai Dịch , có 3 mẹ con mãi mãi nằm lại nơi đường sau pha kéo lê của xe tải.
Chậm rãi nhớ lại vụ tai nạn đau lòng đó trong ca trực của mình, Thiếu tá Vũ Đức An tường thuật lại lời người chứng kiến, hôm ấy chiếc xe máy chở 3 mẹ con hướng từ ngã tư Nguyễn Trãi vào đường Phạm Hùng, khi vừa hết ngã tư vào đường Phạm Hùng thì bất ngờ bị một chiếc ô tô tải lao tới đâm trúng. Chiếc xe tải kéo lê xe máy gần 20 mét, đâm vào cột điện bên đường mới chịu dừng lại.
“Cú tông mạnh khiến thi thể người mẹ ấy bị biến dạng, chị đã tử vong tại chỗ. Hai người con, đứa lớn chỉ tầm 3 – 4 tuổi, đứa nhỏ thì đúng ngày hôm ấy là tròn sinh nhật một tuổi của cháu. Cháu bị hất văng, nằm lạnh lẽo giữa đường. Thực sự nhìn cảnh tượng ấy, tôi xót xa vô cùng…”, anh An nghẹn ngào kể lại thời khắc chứng kiến cảnh tượng tang thương khi thi thể được đưa vào Khoa mà không thể nào anh quên được.
Sau đó, anh An chứng kiến khi lực lượng Cảnh sát giao thông tiến hành kiểm tra nồng độ cồn của tài xế xe tải. Kết quả người này vượt mức cho phép. Nhưng điều khiến anh bất ngờ là người tài xế này trong hơi men vẫn nói một câu lạnh gáy: “Đâm nhẹ như như thế mà cũng chết người à?”.
Để tránh việc người nhà nạn nhân nhìn thấy cảnh tượng đau lòng, công tác khám nghiệm hiện trường được đẩy nhanh. 3 thi thể được đưa về nghĩa trang ngay bên cạnh. Một lúc sau, người chồng chạy đến, nhìn vợ và 2 con mà không thể khóc nên lời, ngất lên ngất xuống.
Ai trong chúng ta cũng hiểu được nỗi đau đớn quặn xé khi mà trước đó vài phút, 3 mẹ con còn nói cười với nhau, giờ đã ra đi vĩnh viễn giữa phố phường xa lạ… Đằng sau tay lái của gã tài xế kia là tính mạng của 3 con người vô tội, còn cả cuộc đời và tương lai phía trước, nhưng chỉ vì một phút vui quá chén, tài xế đã cướp đi một hạnh phúc của gia đình. Không hành động và cảnh tỉnh vào lúc này, thì đến bao giờ cảnh tượng “ma men” lái xe trong điên cuồng mới thôi ám ảnh. Chồng mất vợ, con mất mẹ rồi sẽ còn diễn ra, thậm chí có thể còn rơi vào chính những người thân của chúng ta.
“Hãy tham gia giao thông bằng cả trái tim, khi cầm vô lăng hãy nghĩ đến gia đình của mình”
Theo Tổ chức y tế thế giới, tỷ lệ sử dụng rượu bia ở Việt Nam đang xếp thứ 29. Các chuyên gia nhận định, cơ thể người bình thường uống 2-3 chén rượu thì khả năng phản xạ đã giảm 40-50%, tăng nguy cơ gây tai nạn giao thông nếu cố tình điều khiển xe trên đường.
Trên thực tế, bia rượu ở Việt Nam luôn xuất hiện bất kể mọi nơi, bất kể mọi lúc, chỉ cần có lý do. Theo Thiếu tá Vũ Đức An, tình trạng uống rượu bia lái xe hiện đang ở mức đáng báo động, không chỉ ảnh hưởng đến sức khoẻ của con người mà còn gây ra những cái chết thương tâm. Chính vì vậy cần tuyên truyền sâu rộng hơn nữa về tác hại của bia rượu. Cần xây dựng hệ thống pháp luật có tính răn đe cao hơn nữa, để làm sao mỗi khi vi phạm bị xử lý, người dân sợ không dám tái phạm.
Chúng ta hãy hành động, cùng nhau đẩy lùi tình trạng uống rượu bia khi lái xe. Hãy nghiêm khắc với chính bản thân mình hơn, đừng để đến khi xảy ra hậu quả mới hối hận, bởi cuộc đời không có chữ “Nếu”. Việc ngăn chặn tình trạng say rượu bia lái xe là việc của mọi người, mọi nhà, có sự chung tay của các cơ quan chức năng liên quan.. Chúng ta hãy nghĩ rằng, phía trước là tương lai, là gia đình. Khi đã say rượu thì nên đi các phương tiện công cộng để trở về nhà an toàn. Tôi cũng như bạn, hôm nay còn được gặp người thân nhưng ai biết, ngày mai ngày kia sẽ ra sao.
“Cuộc đời này mất đi thứ gì đó có thể còn lấy lại, nhưng người thân yêu đã nằm xuống thì không bao giờ trở lại nữa. Hãy tham gia giao thông bằng trái tim của mình, khi cầm vô lăng hãy nghĩ đến gia đình của mình. Hãy nhớ rằng thiệt hại cho gia đình người khác cũng là thiệt hại cho gia đình mình” – Thiếu tá Vũ Đức An chia sẻ.
Mỗi người trong chúng ta hãy cương quyết không uống rượu bia nếu bạn là người phải lái xe sau bữa ăn. Không mời, không ép bạn bè, người thân uống rượu, bia nếu biết rằng họ phải lái xe sau bữa ăn. Hãy từ chối, cương quyết từ chối ngồi lên xe ô tô hay mô tô mà người lái xe vừa uống rượu, bia. Những người chủ nhà hàng, quán nhậu hãy hỏi để biết và cung cấp đồ uống không có cồn cho khách hàng phải lái xe sau bữa ăn.
_Hoài Nam- Phòng HCQT_