Các bác sĩ của Bệnh viện 19-8 (Bộ Công an) đã vừa phẫu thuật cứu sống một bệnh nhân bị đâm thủng tim và đứt khí quản nhập viện trong tình trạng vô cùng nguy kịch. Đây là một ghi nhận mới về kỹ thuật phẫu thuật tim hở của Bệnh viện này.
Sáng 11-5, các bác sĩ Khoa cấp cứu A9 của Bệnh viện 19-8 (Bộ Công an) đã tiếp nhận ông Ngô Văn H. (49 tuổi, trú tại Phú Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) vào cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, máu chảy nhiều, sốc mạch khó bắt, huyết áp không đo được. Gia đình bệnh nhân cho biết do say rượu, ông H. đã tự dùng dao đâm mình. Ông H. vốn là người nghiện rượu nhiều năm, từng phải điều trị loạn thần do rượu.
Với kết quả thăm khám bước đầu, các bác sĩ đã phát hiện vết thương ở phía cổ trước dài 5cm làm đứt khí quản cùng với vết thương ở ngực khoảng 0,5 cm, cho thấy có dấu hiệu tim bị đâm thủng.
Ngay lập tức, Ban Giám đốc đã chỉ đạo kích hoạt quy trình "báo động đỏ” để cấp cứu cho bệnh nhân. Ông H. được đưa thẳng lên phòng mổ Khoa B4. Một cuộc hội chẩn khẩn cấp được tổ chức và các khoa, phòng liên quan cùng phối hợp để hỗ trợ cho ca cấp cứu.
Các bác sỹ phẫu thuật đã tiến hành xử lý vết thương vùng cổ trước để khâu vết đứt ở khí quản, đồng thời mở ngực để xử trí vết thương 0,5 cm ở tâm thất phải gây chảy máu ở màng tim và khoang màng phổi trái tới khoảng 2.600 ml máu và máu cục, nhanh chóng khống chế chảy máu, giải phóng máu cục gây chèn ép tim, khâu phục hồi tổn thương tim, hồi sức tim cho bệnh nhân.
Bệnh nhân đã được cứu sống sau ca phẫu thuật
Ca mổ do Đại tá Sái Văn Đức, Phó giám đốc bệnh viện, bác sĩ Nguyễn Mạnh Trường, Phó Trưởng Khoa ngoại trực tiếp thực hiện cùng ekip phẫu thuật đã kéo dài suốt hơn 3h đầy căng thẳng và phải truyền tới 16 đơn vị máu bệnh nhân. Nhưng với kinh nghiệm và tay nghề vững vàng, các bác sĩ đã hoàn tất được ca mổ phức tạp, đưa bệnh nhân thoát khỏi “cửa tử thần”.
Sau 24h được phẫu thuật, đến chiều ngày 12-5, sức khỏe bệnh nhân tiếp tục có các diễn biến rất khả quan, huyết động và các chỉ số sinh tồn ổn định, cho thấy ca mổ đã rất hiệu quả.
Theo bác sĩ Nguyễn Mạnh Trường, bên cạnh tay nghề của bác sĩ, trang thiết bị y tế hiện đại được đầu tư, thì quy trình “báo động đỏ” do Bệnh viện xây dựng nhằm huy động được toàn lực nhân viên y tế phối hợp tham gia cấp cứu đã phát huy tác dụng mạnh mẽ trong việc cứu chữa bệnh nhân.
Từ những trường hợp bệnh nhân bị thương tim nguy hiểm đến tính mạng, bác sĩ Trường cũng lưu ý khi sơ cứu bệnh nhân cần đặc biệt quan tâm đến các thao tác ban đầu, như tạm thời cố định cầm máu, đè ép vết thương bằng tay và không rút vật sát thương ra ngoài trước khi đưa đến cơ sở y tế gần nhất có điều kiện cấp cứu.
_Thanh Hằng_